Học Bổng Toàn Phần Châu Âu

Học Bổng Toàn Phần Châu Âu

Học bổng Tài năng Arqus tìm kiếm những sinh viên tài năng và sinh viên muốn theo học Chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ tại một trong các trường đại học đối tác của Arqus (Granada, Graz, Leipzig, Lyon 1, Maynooth, Minho, Padua, Vilnius và Wroclaw) bao gồm thời gian di chuyển bắt buộc tại một trường đại học đối tác Arqus khác.

Học bổng Tài năng Arqus tìm kiếm những sinh viên tài năng và sinh viên muốn theo học Chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ tại một trong các trường đại học đối tác của Arqus (Granada, Graz, Leipzig, Lyon 1, Maynooth, Minho, Padua, Vilnius và Wroclaw) bao gồm thời gian di chuyển bắt buộc tại một trường đại học đối tác Arqus khác.

QUY TẮC THÀNH CÔNG TRONG MỘT BUỔI PHỎNG VẤN HỌC BỔNG TIẾN SĨ TOÀN PHẦN – CÁC VỊ TRÍ NGHIÊN CỨU SINH Ở CHÂU ÂU

Chào mọi người, mình hiện là nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học và Khoa học nhận thức tại Đại học Antwerp của Bỉ. Trong bài viết ngày hôm nay, mình xin được phép chia sẻ với các bạn 3 quy tắc giúp chúng ta có thể thành công trong một buổi phỏng vấn học bổng Tiến sĩ toàn phần – các vị trí nghiên cứu sinh.

Trước khi bắt đầu nói về 3 quy tắc, mình xin được sơ lược một số thông tin về quy trình tuyển nghiên cứu sinh tại các trường của Châu Âu. Khác với việc học Tiến sĩ ở các nước nói tiếng Anh như Anh Quốc, Úc, Mỹ, Canada, và nhiều quốc gia ở Châu Á khác, các vị trí nghiên cứu sinh – học bổng tiến sĩ được đăng tuyển như một vị trí việc làm (job vacancy).

Một giáo sư hoặc một nhóm giáo sư đã định rõ một vấn đề nghiên cứu và cần tuyển một nghiên cứu sinh vào để giúp họ hoàn thành dự án nghiên cứu đó. Vì vậy, quy trình HỌC BỔNG TIẾN SĨ TOÀN PHẦN ở Châu Âu khá giống với quy trình các bạn đi xin một công việc làm, bao gồm một vòng xét tuyển hồ sơ (screening of CV and application files) và một vòng phỏng vấn với hội đồng xét tuyển học bổng (interview with selection panel). Ở mỗi vị trí như vậy, số lượng ứng cử viên có thể rất đông (có thể từ 30-40 ứng cử viên), nhưng hội đồng chỉ có thể mời từ 5-7 ứng cử viên để phỏng vấn (shortlisted candidates).

Sau buổi phỏng vấn, hội đồng xét tuyển chỉ chọn và cấp học bổng cho một ứng cử viên duy nhất – người có thành tích học tập, kinh nghiệm làm việc, và cách trình bày ý tưởng phỏng vấn có thể thuyết phục được các giáo sư trong ban xét tuyển.

Do đó, vòng phỏng vấn có thể được xem là một trong những vòng quan trọng nhất và vòng quyết định trong quá trình xin học bổng Tiến sĩ toàn phần.

Mình xin chia sẻ 3 quy tắc chính như sau:

Quy tắc 1: 5 phút đầu tiên trong buổi phỏng vấn là 5 phút quyết định việc hội đồng có chọn bạn làm ứng cử viên để cấp học bổng hay không.

Một trong những câu hỏi ở mọi buổi phỏng vấn, dù là phỏng vấn việc làm hay phỏng vấn học bổng, câu hỏi “Hãy nói cho chúng tôi biết về bản thân bạn” (Tell us something about yourself) luôn là câu hỏi mở màn trong các cuộc phỏng vấn. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất câu hỏi này thật ra ban tuyển dụng muốn hỏi là “Giá trị gì bạn có thể mang lại cho công ty/doanh nghiệp/ trường đại học chúng tôi” (What values can you bring to us?). Vì vậy, khi đối mặt câu hỏi này, bạn chỉ có tầm 3-5 phút ngắn ngủi gây ấn tượng cho ban tuyển dụng vì sao mình là ứng cử viên lý tưởng nhất. Để làm được điều này, các bạn cần đọc rõ mô tả đề tài nghiên cứu (project description) và những yêu cầu ban xét tuyển mong muốn được nhìn thấy ở một ứng cử viên tìm năng. Trong vòng 5 phút ngắn ngủi này, chúng ta cần chứng tỏ cho các giáo sư thấy vì sao bản thân mình là ứng cử viên tìm năng nhất bằng cách sơ lược và làm nổi bật các kinh nghiệm nghiên cứu và thành tích cá nhân có liên quan trực tiếp đến các tiêu chí được liệt kê trong mô tả công việc như thế nào.

Quy tắc 2: Hiểu rõ lý do vì sao bản thân mình lại muốn theo đuổi việc học tiến sĩ – PhD và lường trước được những khó khăn bản thân sẽ phải đối mặt

Một vấn đề khác mà ban xét tuyển học bổng có thể đề cập đến trong quá trình phỏng vấn ứng cử viên tiềm năng cho vị trí nghiên cứu sinh là lý do vì sao bản thân chúng ta lại muốn theo đuổi việc học tiến sĩ – PhD. Theo ý kiến cá nhân của anh, một người chỉ nên quyết định theo đuổi việc học tiến sĩ vì những lý do sau: niềm đam mê và tình yêu dành cho khoa học, cơ hội đóng góp kiến thức cho chuyên ngành yêu thích của mình, định hướng theo đuổi một công việc đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu và mang tính hàn lâm cao trong một thời gian dài, học hỏi và tích luỹ được nhiều kỹ năng có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác ngoài việc nghiên cứu khoa học (Ví dụ: kỹ năng tư duy phản biện, làm việc theo đội-nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, phân tích dữ liệu). Ngoài ra, chúng ta có thể nhấn mạnh việc theo đuổi đề tài nghiên cứu hiện tại có thể giúp bản thân đạt được những dự định, mục tiêu trong tương lai như thế nào.Bên cạnh đó, một ứng cử viên tiềm năng cũng nên cho hội đồng xét tuyểt thấy rõ rằng bản thân mình đã dự tính được khó khăn trước mắt khi phải theo đuổi một vấn đề nghiên cứu hoàn toàn mới đầy những rủi ro. Một ứng cử viên tiềm năng nên hiểu rằng: việc làm khoa học không phải là một quá trình đi theo đường thẳng bắt đầu ở điểm A và kết thúc ở điểm B. Việc làm khoa học giống như chúng ta chinh phục một mê cung. Chúng ta có thể bị lạc lối, quên mất điểm bắt đầu, và đi loanh quanh ở các lối cũ. Nhưng lúc chúng ta bị lạc lối chính là lúc chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân mình và bản chất của những câu hỏi mà chúng ta đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời.

Quy tắc 3: Chấp nhận rằng bạn có thể sẽ không bao giờ thành công ở buổi phỏng vấn đầu tiên

Điều quan trọng nhất đa số mọi người phải thừa nhận rằng cuộc phỏng vấn đầu tiên có thể rất trầy trật vì chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và tự tin ở những lần đầu. Bản thân anh đã tìm hiểu rất nhiều chương trình từ các trường ở nhiều quốc gia, nộp đơn ở một số trường, và được gọi phỏng vấn ba trường đại học. Anh chỉ thành công ở lần thứ ba. Rất nhiều anh chị nghiên cứu sinh anh biết đã từng thất bại từ năm đến sáu lần phỏng vấn. Có người thì còn thất bại nhiều hơn con số này. Tuy nhiên, một trong những tố chất giúp cho một nghiên cứu sinh thành công đó chính là “tính nhẫn nại” hay đơn giản là “không ngại bị từ chối và thất bại”. Các cuộc phỏng vấn thất bại có thể là cơ hội để ta nắm rõ thêm về quy trình của một cuộc phỏng và giúp ta tích luỹ kinh nghiệm để làm tốt hơn cho các cơ hội trong tương lai.

Hi vọng 3 quy tắc cơ bản này sẽ hữu ích cho các bạn đã hoàn thành bậc thạc sĩ và đang trong quá trình tìm kiếm một vị trí nghiên cứu sinh phù hợp, hoặc các bạn đang xin học bổng thạc sĩ nghiên cứu (Mres, Mphil). Chúc các bạn thành công và kiếm được một chương trình học bổng phù hợp.

** Chân thành cảm ơn bạn Châu Luân với bài chia sẻ rất rõ ràng và hữu ích cho cộng đồng săn học bổng Tiến sĩ toàn phần.